Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo giữa hai quốc gia được minh chứng bằng những dự án hợp tác mới trong công nghệ vũ trụ, chuyển đổi số.
Trong buổi tổng kết chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Italy tổ chức chiều 6/5 tại Hà Nội, hai bên đã đưa ra những sáng kiến hợp tác mới trong giai đoạn 2021-2023. Theo đó, hai bên dự định phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bằng cách mở rộng lĩnh vực hợp tác trao đổi như chuyển đổi số số, công nghệ sinh học, công nghệ khoa học vũ trụ, môi trường và biến đổi khí hậu, bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Nói về các kết quả hợp tác, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, từ năm 1998 khi Nghị định thư hợp tác Khoa học công nghệ giữa Chính phủ hai nước có hiệu lực, các Chương trình hợp tác Khoa học và công nghệ song phương được triển khai, đã có hơn 90 nhiệm vụ nghiên cứu chung, trong đó nhiều kết quả đã ứng dụng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Duy, hợp tác và hội nhập quốc tế là một trong các giải pháp quan trọng giúp Việt Nam nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học công nghệ. Trong đó có đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua các kế hoạch dài hạn tầm quốc gia. "Italy là một trong các đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam trong hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông nói.
Ông Mariano Anderle, nguyên Tùy viên khoa học Italy tại Việt Nam dẫn nhiều ví dụ minh chứng cho kết quả đạt được như chuyển giao công nghệ truyền thông và vệ tinh (hệ thống định vị vệ tinh), năng lượng tái tạo (phát triển năng lượng bền vững), nông nghiệp thực phẩm (bệnh hại lúa và hệ vi sinh vật thực vật), sức khỏe và y học, môi trường và biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, Đại học Bách khoa Hà Nội, các công nghệ định vị được ứng dụng trong hệ thống giao thông thông minh, đo đạc bản đồ, giám sát sạt lở... Việc cung cấp giải pháp định vị phối hợp giữa các vệ tinh trên thế giới đã giúp Việt Nam giảm phụ thuộc định vị nước ngoài. Một số kết quả được ứng dụng thực tế, giúp hình thành các doanh nghiệp spin-off.
Trong hơn 20 năm qua, 85 trường đại học và viện nghiên cứu hai bên được kết nối, thu hút sự trao đổi của hơn 200 chuyên gia và nhà khoa học, từ đó thiết lập và xây dựng mạng lưới học thuật, nhiều trường đại học tại Việt Nam đã tham gia vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thông qua các dự án hợp tác.
Fonte: https://vnexpress.net/
Comments