Ngày 26/6/2022, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Đoàn Cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức các nước châu Âu. Đây là chuyến thăm và làm việc đầu tiên của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước sang châu Âu trong năm 2022.
Chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện, tiếp tục phát huy quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa Việt Nam với các nước châu Âu, khẳng định Việt Nam triển khai hiệu quả cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do với các nước EU (EVFTA), với Anh (UKFTA). Đồng thời chuyến thăm cũng nhằm mục đích vận động các nước châu Âu ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Tại Khóa họp thứ 46 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, Việt Nam đã thông báo, với tư cách ứng cử viên của ASEAN, tham gia ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025. Thông tin này ngay lập tức được nhiều thành viên LHQ hoan nghênh.
Là ứng cử viên duy nhất được khối ASEAN đề cử, Việt Nam đang nỗ lực để được bầu chọn làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (HĐNQ LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Sau 35 năm triển khai, công cuộc Đổi mới đã khẳng định vai trò nền tảng quan trọng để Việt Nam đạt được những tiến bộ vượt bậc trong bảo đảm quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thể hiện đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Đến nay, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ những cơ sở vững chắc để tự tin ứng cử và sẵn sàng thể hiện năng lực, trách nhiệm trong lĩnh vực này. Việc trúng cử HĐNQ LHQ sẽ góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra.
Việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, ngày càng tương xứng với sự phát triển của đất nước. Thành tựu nhân quyền của Việt Nam được thể hiện trên hai quyền căn bản là quyền về dân sự - chính trị và quyền kinh tế - xã hội, văn hoá.
Về quyền về dân sự-chính trị:
Việt Nam đã có bước tiến trong việc bảo đảm các quyền về dân sự - chính trị cùng với quá trình xây dựng CNXH. Từ năm 1991, Đảng CS VN ta đã đề ra quan điểm, chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, sau đó được cụ thể hóa trong Hiến pháp (riêng Hiến pháp năm 2013 đã dành 1 chương II về quyền con người).
Nhà nước pháp quyền XHCN được khẳng định là “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, “Nhân dân làm chủ”, “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…”. Người dân có quyền tham gia ngày càng sâu sắc vào đời sống chính trị của đất nước; có quyền bầu cử, đề cử, tự ứng cử, phát huy quyền làm chủ, vai trò giám sát của người dân thông qua “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống từ cơ sở cho đến cấp Trung ương. Người dân đã phát huy cao độ quyền giám sát trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tạo động lực phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Là thành viên của Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Việt Nam luôn tuân thủ thực hiện các nghĩa vụ theo Công ước. Trong phiên bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công nước lần thứ 3 tại Ủy ban Nhân quyền năm 2019, Uỷ ban đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong hoàn thiện pháp luật và thực thi các quyền dân sự, chính trị.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, tước đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới, Việt Nam luôn ưu tiên bảo đảm quyền sống - một trong những quyền chính trị quan trọng nhất của người dân.
Các quyền dân sự, chính trị khác như: quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền tự do ngôn luận, báo chí, Internet, quyền bầu cử, ứng cử… luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thúc đẩy và được bảo vệ bằng luật pháp. Đời sống tôn giáo ở Việt Nam luôn sôi động với 26 triệu tín đồ của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, không có xung đột - điều mà nhiều quốc gia đa tôn giáo khác luôn mong muốn. Người dân được thực hành tự do tín ngưỡng, tôn giáo, học đạo, nghiên cứu và trao đổi, hội họp, giao lưu quốc tế về tôn giáo… Việc xây dựng, trùng tu các công trình tôn giáo được quan tâm…
Tự do ngôn luận, báo chí, Internet… ngày càng được phát huy. Đến nay, Việt Nam đã có được một hệ thống báo chí rộng khắp trên cả nước, đa dạng loại hình (844 cơ quan báo in, 196 cơ quan báo chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình; gần 1.600 trang thông tin điện tử tổng hợp…). Báo chí đã được tạo điều kiện tham gia tích cực, vào phản biện các chính sách, đồng thời đồng hành với các cơ quan chức năng phát hiện, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. Việt Nam là nước có tốc độ phát triển Internet cao, hơn 64 triệu người thường xuyên truy cập, chiếm 66% dân số; 62 triệu người sử dụng các mạng xã hội, chiếm 64% dân số… Người dân có thêm các kênh cá nhân để dễ dàng bày tỏ tiếng nói với mức độ tương tác lớn, có thể trực tiếp tiếp cận với cơ quan chức năng trong nước hoặc thậm chí là các tổ chức nhân quyền quốc tế. Mạng xã hội cùng các thiết bị điện thoại thông minh còn phát huy hiệu quả vai trò giám sát của người dân, thậm chí có thể tự do nói lên quan điểm thông qua các ứng dụng trực tuyến.
Về quyền kinh tế-xã hội và văn hoá:
Với thành tựu phát triển kinh tế trung bình lên tới khoảng 6% liên tục trong hàng chục năm qua, qui mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 tại ASEAN. Trong năm 2020, khi cả thế giới lao đao vì dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta vẫn được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu.
Công cuộc Đổi mới đã thúc đẩy sự quan tâm của cả xã hội vào lĩnh vực xóa đói giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững. Theo thống kê chính thức, tính riêng giai đoạn 2016-2020, nguồn lực dành cho xóa đói giảm nghèo lên tới 93.000 tỷ. Năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam ở mức cao: 58,1%, đến năm 2015 giảm còn 9,88% và năm 2020 còn 2,75%. GDP trên đầu người ngày càng tăng, Việt Nam bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình (năm 2020, ước tính GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD). LHQ đã ghi nhận người Việt Nam ngày càng hạnh phúc hơn, dựa trên đánh giá tổng hợp GDP trên đầu người, tuổi thọ, quyền tự do, sự hào phóng, phúc lợi xã hội và tình trạng tham nhũng. Cụ thể, trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, Việt Nam đã được tăng 4 bậc so với năm 2020, từ vị trí thứ 83 lên 79…
Việt Nam lựa chọn mô hình phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay với tiêu chí “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người dân được tạo điều kiện về mọi mặt để có cơ hội phát triển. Doanh nghiệp được thuận lợi tiếp cận tín dụng để phát triển kinh tế, giải quyết khó khăn; thế hệ trẻ được quan tâm về giáo dục, được rót vốn vào các dự án khởi nghiệp nhằm tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các đối tượng dễ bị tổn thương (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số…) luôn có những chính sách đặc thù để có điều kiện phát triển bình đẳng.
Với mục tiêu xây dựng chế độ xã hội vì con người, cho con người, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Cùng với đó, Việt Nam luôn tích cực, chủ động cùng các quốc gia và cộng đồng quốc tế thực hiện hiệu quả những giá trị phổ quát về quyền con người./.
Nguồn: www.marx21.it
コメント